Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2019

1. Công nhận giống cây trồng mới, TBKT và một số kết quả nghiên cứu cơ bản

Đã công nhận được 69 giống cây trồng các loại, trong đó có 38 giống được Bộ Nông nghiệp PTNT công nhận chính thức (23 giống lúa, 02 giống ngô, 02 giống sắn, 01 giống đậu tương, 02 giống khoai tây, 03 giống quýt đường đầu dòng, 02 giống cam, 01 giống vải, 02 giống chè) và 31 giống được công nhận cho sản xuất thử (10 giống lúa, 08 giống ngô, 03 giống khoai tây, 01 giống đậu tương,  03 giống chè, 02 giống bơ, 01 giống nho, 01 giống bưởi, 01 giống nhãn, 01 giống chuối; và 3 giống (02 giống nhãn, 01 giống quýt hồng) đang hoàn thiện thủ tục xin công nhận giống đầu dòng (chi tiết danh mục giống cây trồng mới được công nhận trong phụ lục 9a và 9b đính kèm); có 05 giống ngô, 07 giống lúa, 03 giống cây ăn quả (cam, thanh long ruột trắng) đã được đăng ký bảo hộ; công nhận được 03 cây quýt đường đầu dòng; 02 tổ hợp dâu và 02 cặp lai giống tằm.

Xây dựng được 2 TCVN về chất lượng đất, được Bộ NN&PTNT ban hành, 24 quy trình công nghệ, quy trình k thuật được đã được thẩm định và công nhận là TBKT/đăng ký sở hữu trí tuệ các cấp và nhiều quy trình kỹ thuật cho các giống cây trồng được công nhận cấp cơ sở; phát triển thành công chế phẩm Bio-ADB và Bio-EM xử lý rất tốt các loại chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề; phát triển mô đun lọc khí GAS cho các hệ thống hầm Biogas từ chất thải chăn nuôi, tuổi thọ của hệ thống có thể kéo dài 6 tháng và có thể thay thế các hệ thống lọc nhập ngoại, tăng hiệu quả xử lý lên trên 90%, tăng hiệu quả sử dụng của khí GAS tại các hệ thống hầm Biogas của Việt Nam. Các quy trình và TBKT trên đã được trình diễn, nhân rộng trong sản xuất trên cả nước với quy mô hàng nghìn ha các loại (chi tiết danh mục TBKT mới được công nhận phụ lục 10 đính kèm).

Về lưu giữ và bảo tồn nguồn gen: tại ngân hàng gen hạt và ngân hàng gen đồng ruộng đang lưu giữ tổng số 33.465  nguồn gen cây trồng, 1011 nguồn gen được lưu giữ in-vitro và 1400 nguồn gen được nhân mới. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc hệ thống VAAS đã thu thập và lưu giữ tập đoàn công tác gồm 202 mẫu giống chè, 210 nguồn gen cây ăn quả, 62  giống cà phê, 40 nguồn gen lúa chịu hạn, 20 nguồn gen cây sắn, 18 nguồn gen các giống cỏ chăn nuôi, 14 giống cây cao su; 800 nguồn gen cây mía; duy trì, bảo tồn 1500 mẫu giống lúa thuần, 750 mẫu giống bố mẹ lúa lai, 250 mẫu giống lạc, 200 mẫu giống đậu tương, 200 mẫu giống đậu xanh, 100 mẫu giống cây đậu đỗ khác, 250 mẫu giống cây có củ, trên 800 mẫu giống rau các loại; 81 giống dâu, 36 giống tằm lưỡng hệ, 11 giống tằm đa hệ; Cấp phát gần 600 mẫu giống nguồn gen cùng các thông tin liên quan cho các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống lúa, rau, đậu đỗ, ngũ cốc và cây có củ.

Về nghiên cứu cơ bản và các nghiên cứu khác: đã ứng dụng công nghệ tương tác trên toàn hệ gen (GWAS) xác định được 17 QTLs kiểm soát các tính trạng chịu hạn, 13 QTLs kiểm soát tính trạng sinh trưởng, phát triển bộ lá và 29 QTLs mới liên quan đến cấu trúc bông và năng suất các giống lúa. Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử (MAS, MABC, MAGIC) tích hợp đa gen kháng bệnh bạc lá, rầy nâu và đạo ôn vào giống lúa chất lượng (BT7, BC15) đã chọn được 3 dòng thuần mang 04 gen kháng với bạc lá và rầy nâu (xa5, Xa7, Bph20, Bph21); 4 dòng thuần mang 04 gen kháng với đạo ôn và rầy nâu (Pi1/Pikh, Pi9(t), Bph20, Bph21). Thu thập, lai tạo và đột biến đã chọn tạo được 36 chủng giống nấm đột biến, xác định được các nguồn gen nấm có triển vọng (nấm Sò: FTL- 0,75; Cp2-0,25; CP0,25; nấm Linh chi: DT L0,25; DT L0,5; DT L1; DT L1,25); Đã định danh được tên khoa học của sâu keo mùa thu hại ngô (Spodoptera frugiperda) và đề xuất quy trình phòng trừ tạm thời phục vụ sản xuất. Xác định được tên sâu đục lá cà chua nam Mỹ (Tuta absoluta). Triển khai các hoạt động quan trắc và thu thập được các số liệu, thông tin về tình hình sử dụng đất, phân bón, thuốc BVTV tại 135 điểm quan trắc đóng góp số liệu quan trọng vào báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia. Báo cáo xác định các hạn chế, rào cản về mặt thể chế, kỹ thuật và kinh tế trong việc triển khai tăng trưởng xanh tại 8 vùng sinh thái nông nghiệp và đề xuất các biện pháp tháo gỡ.

2. Hợp tác với doanh nghiệp phát triển sản phẩm KHCN vào sản xuất

Năm 2019, các đơn vị thuộc VAAS đã chuyển giao tác quyền 03 giống lúa mới (OM429, OM426 và OM380) cho công ty cổ phần giống cây trồng Đông Nam bộ; ký kết và triển khai 62 hợp đồng tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 11,145 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAAS đã sản xuất và cung ứng cho sản xuất trên 4.000 tấn giống lúa các cấp; chuyển nhượng quyền phân phối 7 giống ngô lai cho các doanh nghiệp, sản xuất hàng nghìn tấn ngô lai cung cấp cho sản xuất, trong đó có 60 tấn xuất sang Cuba; hơn 140 tấn giống cây đậu đỗ; gần 620 tấn giống cây có củ; 2,5 triệu cây giống và hơn 1 tấn giống hạt rau, hoa; gần 10 triệu bầu giống chè; trên 1,5 triệu cây giống và chồi cà phê TRS1; hơn 600 nghìn cây điều giống đầu dòng, hơn 23 nghìn bầu cây giống hồ tiêu; 150 nghìn cây giống và chồi bơ; trên 3,44 triệu cây giống mía nuôi cấy mô và hơn 220 tấn hom mía giống; 50 kg hạt dâu, hơn 2500 vòng trứng tằm cấp 2 được cung ứng cho sản xuất. Ngoài ra, các đơn vị đã sản xuất đưa ra thị trường hơn hơn 5,0 tấn phân vi sinh, 2,0 tấn chế phẩm Compost maker, 500 kg chế phẩm vi sinh vật chức năng, 500 kg nấm rễ Mycorhiza, 100 kg chế phẩm VSV cải tạo đất và 1.200 lít chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất với tổng giá trị ước đạt hơn 54,0 tỷ đồng.

Chuyển giao 01 quy trình sản xuất phân bón, 02 quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh TDD18 và hữu cơ khoáng TDD18 cho các doanh nghiệp.

Tin liên quan