“Khoa học cơ bản và Khoa học ứng dụng phải như hai bánh xe để cỗ xe tiến lên”. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại cuộc Toạ đàm “Nâng cao chất lượng nghiên cứu và hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW” vào chiều ngày 20/03/2025 với các nhà khoa học tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Cũng tại Toạ đàm này, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đã được chia sẻ, với mong muốn đóng góp ý kiến để thực hiện thành công Nghị quyết 57 -NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và Nghi quyết 193 /2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, Viện đang có nguồn nhân lực chất lượng cao, xứng tầm là Viện đầu ngành của cả nước trong nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp. Trong đó Viện đang có 80% cán bộ viên chức có trình độ từ đại học trở lên; 17 Giáo sư, Phó Giáo sư; 265 Tiến sĩ, 980 Thạc sĩ...Công tác nghiên cứu khoa học của Viện đã góp phần rất lớn vào việc tăng thu nhập cho nông dân, làm giàu cho doanh nghiệp và xuất khẩu nông sản của quốc gia. Ước tính, các sản phẩm khoa học công nghệ của VAAS làm lợi cho sản xuất khoảng 60.500 tỷ đồng/năm;Tỷ suất lợi nhuận từ 1 đồng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ đạt xấp xỉ 100 lần.

Quang cảnh buổi Toạ đàm
Tuy nhiên, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cũng nhấn mạnh: hiện nay công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức, trong đó có vấn đề cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư song chưa đồng bộ, phân tán; việc phối hợp giữa các đơn vị trong khai thác cơ sở vật chất và thiết bị nghiên cứu còn rất hạn chế; việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ hội phát triển, nhưng cần nâng cao nhận thức của cán bộ. Theo đó, Viện đang tập trung tự thay đổi để thích nghi với sự phát triển trong thời kỳ mới, và cũng rất cần sự thão gỡ về chính sách và sự ưu tiên đặc thù. Trong đó việc ban hành Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Nghị quyết 193 của Quốc hội vừa qua là rất kịp thời, và đã thể hiện rõ sự “thấu hiểu” của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về những khó khăn thách thức với khoa học công nghệ.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm
Chia sẻ tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá rất cao những thành tựu và thành tích mà Viện VAAS đã đạt được trong thời gian qua, cũng như sự đồng hành của lĩnh vực Khoa học công nghệ trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp nước nhà trong thời gian qua.
Để phát huy tiềm năng thế mạnh của khoa học công nghệ cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp và đất nước nói chung, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cũng như đội ngũ các nhà khoa học nói chung, các cơ quan quản lý cần phải đưa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đi đúng với ý nghĩa và vai trò của nó. “Khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng phải như hai bánh xe để cỗ xe tiến lên” Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ví von và khẳng định lại một lần nữa về quan điểm này. Đồng thời ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng cần tiếp tục hiện thực hoá làm kinh tế khoa học, tương tự như kinh tế nông nghiệp, thay vì phát triển khoa học công nghệ chạy theo năng suất và sản lượng như trước kia. Vì hầu hết các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đạt tới mức kịch trần về năng suất (mà phần đóng góp rất lớn có được từ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học)
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các nhà khoa sẽ cần tiếp cận nhanh với xu thế là đầu tư cho khoa học là chấp nhận rủi ro về cả thời gian và chi phí. Đồng thời sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách để các nhà khoa học có thể được đánh giá giá trị của công trình nghiên cứu bằng kết quả trung gian.


Ông Lê Minh Hoan – Uỷ Viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Toạ đàm
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV cho biết thêm thông tin, sắp tới tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5/2025 tới đây Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Khoa học và Công nghệ. Đây là Luật có độ mở rất lớn cho phát triển khoa học công nghệ, và có thể sẽ phải điều chỉnh 14 Luật khác có liên quan để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các nhà khoa học và phát triển khoa học công nghệ nói chung, trong đó có khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. "Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp thẩm định trước khi ban hành Nghị định, dự kiến trong tuần tới Chính phủ sẽ ban hành, trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết 193 của Quốc hội", bà Kim Anh thông tin.
Tại buổi tọa đàm, bà Kim Anh đề nghị, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai ngay Nghị quyết số 193 của Quốc hội, từ đó áp dụng, "kiểm chứng", điều gì thực hiện tốt, hiệu quả để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu đưa vào Luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV phát biểu tại Toạ đàm
Cũng tại Toạ đàm, một số đại biểu thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nguyên lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT trước đây cũng gợi ý quan điểm nên thành lập các doanh nghiệp trong các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập, thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trọng tâm là các bạn trẻ, có tư duy mới chấp nhận rủi ro. Đây sẽ là cánh tay nối dài để lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp được ứng dụng vào thực tiễn nhanh hơn, đột phá hơn.

Cũng trong khuân khổ Toạ đàm đã diễn ra Lễ Ký kết Biên bản hợp tác ghi nhớ về việc kết nối nghiên cứu Khoa học công nghệ với thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông thôn giữa, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.
Tin/ảnh: Trần Dương