Viện Bảo vệ thực vật tổ chức họp Hội đồng KHCN cấp cơ sở đánh giá, nghiệm thu 03 quy trình kỹ thuật của đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để chẩn đoán, nhân giống sạch bệnh và quản lý bệnh virus hồ tiêu” do ThS. Tạ Hoàng Anh - Viện Bảo vệ thực vật chủ trì. Thành phần Hội đồng nghiệm thu gồm: Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật, Hội Côn trùng học Việt Nam, Viện Nghiên cứu nông nghiệp và phát triển nông thôn Nafoods, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Bảo vệ thực vật. Chủ trì nhóm đề tài đã trình bày báo cáo cơ sở khoa học để xây dựng quy trình. Trên cơ sở đó Hội đồng đã thảo luận và đánh giá các quy trình như sau:
1. Quy trình kỹ thuật “Sản xuất Kit chẩn đoán bệnh virus hại hồ tiêu” đã đưa ra phương pháp sản xuất Kit chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh và thử nghiệm với số lượng lớn các mẫu thu từ các bộ phận của cây hồ tiêu, hướng tới sản xuất kit chẩn đoán đảm bảo chất lượng và ổn định khi ứng dụng để chẩn đoán bệnh do virus gây ra trên hồ tiêu, góp phần tăng cường sản xuất cây sạch bệnh, hạn chế tác hại của bệnh gây ra ngay từ khi trồng hồ tiêu ngoài đồng ruộng. Quy trình đã được Hội đồng nghiệm thu.
2. Quy trình kỹ thuật “Nhân giống hồ tiêu sạch bệnh virus” đã xác định được 04 giống cây đầu dòng, 283 cây để sản xuất vườn cây đầu dòng và 3.308 cây giống sạch bệnh, áp dụng quy trình tạo ra vườn trồng cây khỏe, năng suất chất lượng ổn định, hạn chế được sự lan truyền và gây hại của bệnh, cây giống sạch bệnh virus góp phần sản xuất hồ tiêu bền vững. Quy trình sản xuất cây giống sạch bệnh có giá trị ứng dụng ở các vùng sản xuất hồ tiêu. Quy trình đã được Hội đồng nghiệm thu.
3. Quy trình kỹ thuật “Quản lý bền vững bệnh virus hại hồ tiêu ở các vườn sản xuất đại trà”đã xác định được thành phần virus hại hồ tiêu như bệnh khảm vàng, xoăn lùn hay còn gọi là bệnh tiêu điên. Quy trình đã xác định rõ nguyên nhân bệnh, giám định được bệnh, nhân được nguồn giống sạch bệnh và kiểm soát chống tái nhiễm thành một hệ thống đồng bộ, từ đó được áp dụng ở các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm giúp quản lý bệnh hiệu quả. Ứng dụng quy trình trong các mô hình trên diện tích 1ha/tỉnh tại Bình Phước và Gia Lai cho hiệu quả cao, tỷ lệ cây bị tái nhiễm virus còn 0,13% (tại Bình Phước) và 0,27 % (tại Gia Lai) trong khi đối chứng đạt 3,0% và 4,33%, góp phần hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, hiệu quả quản lý bệnh virus đạt 95,7% (tại Bình Phước) và 93,8% (tại Gia Lai). Với kết quả thu được, quy trình có khả năng ứng dụng diện rộng để quản lý bền vững bệnh virus hại hồ tiêu.
Hội đồng KHCN Viện Bảo vệ thực vật đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét công nhận quy trình là tiến bộ kỹ thuật sinh học, để quy trình được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất tại các vùng trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Phòng Khoa học và HTQT, Viện Bảo vệ thực vật
Nguồn: https://ppri.org.vn