Ngày 2/3/2023, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp viện chuyên ngành Khoa học cây trồng (mã số: 9 62 01 10) cho nghiên cứu sinh (NCS) Đỗ Thị Thảo - với đề tài luận án “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm mặn vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa”, Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng và PGS. TS Lê Hùng Lĩnh.
Tham dự buổi bảo vệ luận án có đại diện cơ sở đào tạo, đơn vị sinh hoạt chuyên môn và cơ quan công tác của NCS.
Hội đồng đã thông qua hồ sơ và điều kiện bảo vệ luận án TS cấp Viện, các thành viên Hội đồng nhất trí về kết quả học tập và các điều kiện để bảo vệ luận án của NCS.
Sau khi NCS trình bày tóm tắt kết quả luận án, các phản biện, thành viên Hội đồng đã nhận xét đánh giá, thảo luận về các kết quả nghiên cứu của luận án. Trong phiên họp kín, Hội đồng đã thống nhất kết luận: Luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn, trong đó ghi nhận các kết quả có tính mới gồm: (i) Đã tuyển chọn được giống lúa SHPT15 có năng suất cao, chịu mặn tốt, chống chịu sâu bệnh hại hơn hẳn giống đối chứng Bắc thơm 7. (ii)Đã xác định được một số biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp cho giống lúa SHPT15 trên đất nhiễm mặn các huyện vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa: Thời vụ gieo trồng thích hợp cho giống SHPT15: Vụ đông xuân gieo từ 07/1, Vụ hè thu từ 08/6; Lượng phân bón thích hợp cho vụ đông xuân: 10 tấn phân chuồng + 450 kg vôi bột+ 100 kg N+ 90 kg P2O5 + 80 kg K2O /ha. Vụ hè thu bón giảm 10% lượng phân so với vụ đông xuân; lượng phân bón 90 kg N+ 80 kg P2O5+ 70 kg K2O; Mật độ cấy 35 khóm/m2, cấy 02- 03 dảnh/khóm; (iii) Đã xây dựng được 03 mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa SHPT15 tại 03 huyện vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa. Năng suất của giống SHPT15 trong mô hình cao hơn so với đối chứng từ 8,5- 9,2 tạ/ha. Tỷ suất chi phí lợi nhuận cận biên (MBCR) đạt từ 5,2 đến 10, ở các điểm xây dựng mô hình; trung bình đạt 8,3. Khuyến cáo mở rộng mô hình phát triển.
Hội đồng thông qua nghị quyết và bỏ phiếu đánh giá, biểu quyết công khai kết quả. Hội đồng đã nhất trí cao (7/7 thành viên) đồng ý đề nghị Cơ sở đào tạo công nhận học vị TS cho NCS. Đỗ Thị Thảo.
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện thay mặt cơ sở đào tạo phát biểu ghi nhận những cố gắng nỗ lực của NCS trong thời gian tham gia đào tạo và đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của luận án.
Trong sự vui mừng và xúc động, NCS. Đỗ Thị Thảo chân thành cảm ơn thành viên Hội đồng chấm luận án đã đóng góp ý kiến thẳng thắn và sâu sắc về chuyên môn để NCS tiếp tục hoàn thiện bản luận án. NCS gửi lời cảm ơn và tri ân sự định hướng và giúp đỡ tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, sự ủng hộ tạo điều kiện của lãnh đạo Viện KHNNVN, Ban Thông tin và Đào tạo, cơ quan công tác, đơn vị sinh hoạt chuyên môn, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình để NCS có thể hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ thành công luận án.
Một số hình ảnh của lễ bảo vệ
NCS. Đỗ Thị Thảo trình bày luận án
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô trong hội đồng